Câu chuyện thường gặp
Mẹ (gọi điện về cho con): Con học bài chưa?
Con: Con học rồi mẹ ạ.
Mẹ: Con thu dọn bàn học; đồ chơi của con chưa?
Con: Con làm xong hết rồi mẹ ạ.
Và kết quả:
Mẹ đi (làm về): Sao bàn học của con vẫn bừa bộn thế kia? Đồ chơi vứt lung tung thế này…???
Cô giáo (kiểm tra bài): Sao con đọc ấp úng vậy, con chưa học bài à?
Con: dạ…dạ…
Mẹ:???
“Vì sao con thường hay nói dối cha mẹ đến vậy? Con chưa học bài, làm bài nhưng lại nói đã học, đã làm rồi?” ….
Và mặc dù bố mẹ đã dùng lời lẽ, ngay cả đòn roi nhưng cũng không có tác dụng với con. Tần xuất nói dối ngày càng nhiều, cha mẹ thì còn bận trăm công, nghìn việc không thể kiểm soát được con…
Câu hỏi đặt ra: Vì sao con hay nói dối ông bà, cha mẹ như vậy ? Và liệu có phương pháp nào để con không nói dối?
-Thứ nhất, không được dạy trẻ thói quen nói dối
Ngay từ khi lên 4 tuổi con bắt đầu đã nhận thức được mọi thứ. Trong sinh hoạt hàng ngày trẻ cũng không ít lần gặp những tình huống như:
“Con ngoan, hôm nào mẹ sẽ mua cái này, cái kia cho… con đợi mãi không thấy cái này cái kia ở đâu…Và bắt đầu con học được điều đó: mẹ bảo mua cho mình cuối cùng thì không mua, mẹ cũng chẳng sao cả; rồi mẹ hứa cho mình đi chơi đâu đó, nhưng cuối cùng cũng chả thấy đưa đi đâu…rất nhiều lần như thế sẽ tạo cho trẻ thói quen học theo cách nói dối của cha mẹ.
Vậy thì thay bằng những lời hứa xuông, cha mẹ hãy nhớ khi đã hứa với trẻ làm bất cứ việc gì cho con cha mẹ hãy giữ lời hứa, đừng hình thành cho con nói dối ngay từ nhỏ.
Hoặc là đi du lịch người ta yêu cầu trẻ em trên 7 tuổi phải mất 50% tiền vé xe. Mẹ dặn con: Lát chú hỏi con bảo con 7 tuổi nhé; mặc dù con đã 8 tuổi… Vậy là từ việc rất bình thường tưởng như không gây hại gì nhưng vô hình chung bố mẹ đang dạy cho con cách nói dối người khác….
–Thứ hai, cha mẹ hãy chấp nhận những sai lầm của con
Khi cha mẹ bảo con hãy dọn bàn học của con đi. Con làm qua loa cho xong (con có dọn nhưng chưa gọn. Khi mẹ vào kiểm tra thấy chưa gọn gàng và la luôn rằng con đã nói dối. Cũng như mẹ giục con học bài đi lát mẹ kiểm tra. Và con có học nhưng chỉ đọc qua một lượt nên chưa trôi chảy. Khi mẹ kiểm tra thấy con ấp úng liền la luôn rằng con nói học rồi mà như vậy à? Con nói dối mẹ phải không?…
Và cứ như thế, con làm rồi mà mẹ cứ nói là chưa, mẹ cho rằng con đã nói dối, và trong suy nghĩ của con nói dối là gì? Là làm chưa được, làm không đúng ý mẹ…
Vậy lúc này cha mẹ phải làm thế nào:
– Trước tiên, cha mẹ cần biết chấp nhận những sai lầm, thiếu sót của con. Con làm chưa được, chưa xong, làm hỏng… không sao cả, điều quan trọng cha mẹ cần giúp con nhận ra cái sai, cái chưa được để rút ra bài học kinh nghiệm.
– Hơn nữa cha mẹ phải là người định hướng cho con, làm bất cứ một việc gì con phải làm cho xong, cho tốt, lần đầu thấy con làm chưa được cha mẹ nên động viên nhắc nhở: Con mẹ rất ngoan nhưng lần sau con cố gắn hơn nữa, con nên sắp xếp theo cách này sẽ gọn hơn; con đọc bài chưa kĩ nên kết quả con đọc chưa tốt con cố gắng đọc thêm vài lần nữa chắc chắn con sẽ đọc tốt hơn…
Sự thấu hiểu, lời động viên của cha mẹ sẽ giúp con tự tin hơn, chăm chỉ hơn và đặc biệt con biết phương pháp làm thế nào để tốt hơn.
-Thứ ba, hãy tôn trọng suy nghĩ của con.
Mỗi đứa trẻ có cách nhìn nhận và suy nghĩ riêng, các bậc cha mẹ không nên áp đặt con theo một khuôn mẫu nhất định, có những thứ ép quá mức sẽ làm cho con phải lừa dối chính bản thân mình. Mặc dù con không thích không vui nhừng vì cha mẹ ép con buộc phải chấp nhận.
VD: Đơn giản là con thích mặc bộ quần áo có màu này, nhưng mẹ không thích lại thích con mặc bộ khác theo ý của mẹ. Và mẹ bắt con phải theo ý mẹ mà không phải là theo sở thích của con. Con ép bản thân mình phải theo…phải lừa dối chính bản thân mình, làm theo sở thích của người khác, không đưa ra chính kiến của bản thân…
Vậy trong trường hợp đó, thay vì áp đặt con theo ý của mình, cha mẹ có thể định hướng, phân tích mặc như thế nào để con được đẹp nhất, trên tinh thần vẫn tôn trọng sở thích của bản thân con.
Tóm lại, theo một nhà tâm lí học người Mĩ cho rằng: “Trẻ em bắt đầu nói dối khi còn là những đứa trẻ 2 tuổi rưỡi tới 3 tuổi”. Dần dần, khi nhận thức và quan hệ xã hội được mở rộng, trẻ học được cách nói dối nhiều hơn. Khi con trưởng thành việc con nói dối để bảo vệ cảm xúc của người khác, nói dối để bảo vệ bản thân, nói dối bản thân và nói dối để không làm người khác đau lòng thì đó là những lời nói dối không gây hại mà nó còn mang tính tích cực. Tuy nhiên khi con còn nhỏ con đã học cách nói dối để làm tổn thương người khác hoặc để che đi hành vi sai trái của mình thì đó là những lời nói dối không chấp nhận được. Và để giúp con trở thành những người trung thực thì ngay từ nhỏ cha mẹ cần có những định hướng đúng giúp con hiểu được giá trị của lối lành mạnh, văn minh, loại bỏ những hành vi, thói quen xấu…Từ đó con sẽ tích lũy giá trị sống tích cực hơn.